Nguồn gốc áo dài Thượng Hải
Chiếc áo dài Thượng Hải được biết đến với tên gọi đầu tiên là Kì bào Qipao gắn với lịch sử hình thành của nó. Ngoài ra, nó còn có tên gọi là Cheongsam (xường xám). Tên gọi Cheongsam (phát âm theo tiếng Quảng) chính thức trở thành từ khóa Anh ngữ bắt nguồn từ tiếng địa phương tại các tỉnh Quảng Đông Trung Quốc.
Vào những năm đầu thế kỉ XVII, người Mãn Châu vốn là những người dân du mục bán khai dần chiếm ưu thế ở vùng phía Đông Bắc Trung Quốc. Quốc gia Mãn Châu được Nurhaci (Nỗ Nhĩ Cáp Xích) thành lập vào đầu thế kỉ XVII. Ban đầu nước này chỉ là một nước chư hầu của nhà Minh. Nurhaci tuyên bố mình là hoàng đế của nước Hậu Kim ở vùng phía Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1609 và lập ra hệ thống “Bát Kì”. Hệ thống “Bát Kì” được chia làm tám kì, mỗi kì đều được phân biệt bởi một lá cờ khác nhau. Theo đó mọi người dân Mãn Châu đều thuộc một trong tám kì. Đó vừa là đơn vị dân sự vừa mang tính chất quân sự.
Sau khi Nurhaci mất, con trai của ông là Hoàng Thái Cực kế thừa ngôi vua và đổi tên nước thành “Thanh”. Nhà Thanh không phải là triều đại do người Hán (dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc) mà do người Mãn Châu thiểu số thành lập. Vào thời Mãn – Hán phân tranh, nhà Minh (triều đại lớn mạnh do người Hán sáng lập) chính thức kết thúc khi Minh Sùng Trinh Chu Do Kiểm treo cổ tự tử. Nhà Thanh hoàn thành công cuộc chinh phục và giành quyền thống trị thay cho nhà Minh trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc vào năm 1644. Sau đó, họ đã bố trí lại bộ máy dân sự và quân sự theo hệ thống Bát Kì và buộc tất cả mọi người dân Hán phải mặc trang phục của người Mãn Châu thay cho trang phục của người Hán nếu không sẽ bị giết. Trong hệ thống Bát Kì, từ Kì được gọi là Qi. Những người dân Mãn Châu sống dưới triều đại nhà Thanh được gọi là người Kì Qiren. Cứ thế từ Qi gắn với tên gọi của người Mãn Châu. Và trang phục của họ được gọi là Kì bào Qipao. Chiếc áo Kì bào của người dân Mãn Châu có dạng hình ống khá rộng, dài đến mu bàn chân và phủ kín cả thân thể. Nó cũng chính là tiền thân của chiếc áo dài Thượng Hải sau này.
Sự sụp đổ của nhà Thanh – triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 đã đánh dấu sự kết thúc của chế độ quân chủ chuyên chế hơn 2000 năm trên đất nước này và khởi đầu cho một giai đoạn bất ổn kéo dài không chỉ đối với quốc gia mà còn đối với cả cuộc sống của người dân Trung Quốc. Tình trạng lạc hậu về kinh tế, chính trị cộng với sự chỉ trích ngày càng tăng về văn hóa Trung Quốc dẫn đến sự ngờ vực về tương lai của họ.
Triều đại nhà Thanh sụp đổ thế nhưng chiếc áo Kì bào vẫn còn tồn tại dù cho chính trị có thay đổi. Tiêu biểu là ở Thượng Hải, chiếc áo Kì bào của người dân Mãn Châu lần đầu tiên được cách tân tại đây. Và cũng chính Thượng Hải – thủ đô thời trang của Trung Quốc là nơi đã góp phần đưa chiếc áo dài Thượng Hải đến với “thời hoàng kim” rực rỡ vào những năm 1930 – 1940. Đó cũng là lý do tại sao mỗi khi nhắc đến chiếc áo dài của người Trung Quốc người ta thường nhắc đến Thượng Hải như là nơi bắt nguồn của chiếc áo này. Ở Việt Nam, chiếc áo dài của người Trung Quốc được biết đến với tên gọi là “Áo dài Thượng Hải” hay còn gọi là “Sườn xám”. Từ khoảng năm 1910 đến đầu năm 1920, ở Thượng Hải, kiểu dáng của áo dài Thượng Hải không vượt ra khỏi hình dạng chiếc áo Kì bào của người Mãn Châu cuối thời nhà Thanh. Nhưng sau đó, nó bắt đầu được cắt giảm để trở nên gọn gàng hơn tạo sự thanh nhã cho người mặc, các hoa văn và đường viền trang trí không còn to như trước. Cho đến cuối năm 1920, do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, áo dài thượng Hải đã có sự thay đổi về đường nét và được may ôm sát ở phần eo. Theo đà phát triển vào những năm 1930, lối thiết kế của trang phục Tây Âu ảnh hưởng mạnh mẽ đến áo dài Thượng Hải và biến nó thành một chiếc áo mang phong cách Tây – Trung kết hợp. từ đó nhiều ý tưởng mới đã ra đời và liên tục làm thay đổi kiểu dáng của áo dài Thượng Hải. chiếc áo dài Thượng Hải trở thành mốt với một màu đen, vạt áo được xâu đính hạt chuỗi, phối hợp với áo choàng không tay, với áo khoác Tây, hoặc với khăn choàng nhung…
Đầu năm 1940, kiểu dáng của áo dài Thượng Hải có xu hướng gọn gàng hơn, bỏ đi tay áo để tạo sự thoải mái mát mẻ cho mùa hè, gia giảm về chiều dài, bâu áo thấp hơn và bỏ qua những phụ liệu trang trí trên áo. Sau đó, áo dài Thượng Hải được may với những loại vải kẻ ô trở nên phổ biến.
Cuộc cách mạng năm 1949 đã kết thúc “thời hoàng kim” của áo dài Thượng Hải và nhiều kiểu thời trang khác tại đây. Nhưng những người dân tị nạn Thượng Hải đã chạy sang Hồng Kông và mang theo chiếc áo này phổ biến khắp Hồng Kông. Tại đây, chiếc áo dài của người Thượng Hải được người Hồng Kông gọi với cái tên Cheongsam.
—————————————————————————
- Youtube:https://www.youtube.com/user/omaicay90
- Facebook:Tiếng Trung Cầm Xu – Dạy phát âm chuẩn nhất Hà Nội
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Kiến thức tiếng Trung23 Tháng mười một, 202410 quy tắc vàng giúp bạn phát âm Tiếng Trung như người bản xứ
- Kiến thức tiếng Trung23 Tháng mười một, 2024Tổng hợp từ vựng và mẫu câu Tiếng Trung giao tiếp trong công việc
- Kiến thức tiếng Trung23 Tháng mười một, 2024Phương pháp luyện nghe Tiếng Trung hiệu quả cho người mới bắt đầu
- Kiến thức tiếng Trung19 Tháng mười một, 20247 quy tắc viết chữ Hán và 8 nét cơ bản trong Tiếng Trung – Hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu