NHỮNG ĐỊA ĐIỂM CÓ THẬT TRONG TIỂU THUYẾT KIM DUNG
Kim Dung (1924 – 2018) là một trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến nền văn học hiện đại của Trung Quốc, ông được xem là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất lịch sử. Các tác phẩm của ông đã được chuyển thể nhiều lần và gần như tất cả các bản chuyển thể đó đều đã trở thành những bộ phim truyền hình kinh điển. Thời 8x-9x, những bộ phim và tiểu thuyết này cũng từng tạo nên cơn sốt mạnh mẽ tại Việt Nam.
Nếu là người mến mộ những tác phẩm của Kim Dung, chắc hẳn bạn đã không dưới một lần đặt câu hỏi: Những địa điểm được nhắc đến trong tiểu thuyết của ông liệu có thật hay không? Hôm nay Học tiếng Trung Quốc mỗi ngày sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này. Cùng tìm hiểu với chúng mình nhé!
Núi Nga Mi 峨眉山 (Éméi shān)
Nếu là fan của “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” bạn nhất định không còn xa lạ gì với núi Nga Mi. Trong “vũ trụ” giang hồ của Kim Dung, Nga Mi là 1 trong 3 môn phái lớn nhất võ lâm Trung Nguyên, bên cạnh Thiếu Lâm và Võ Đang. Ngoài ra, Nga Mi sơn cũng gắn liền với các nhân vật nổi tiếng như Diệt Tuyệt sư thái, Chu Chỉ Nhược.
Núi có tên gọi khác là Đại Quang Minh, nằm ở tỉnh Tứ Xuyên(Trung Quốc), núi cao 3.099 mét và được coi là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn của đất nước tỉ dân, 3 ngọn núi khác là Ngũ Đài, Cửu Hoa và Phổ Đà.
Đến với Nga Mi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Đại Phật Lạc Sơn cao 71 m, tạc trên vách núi lớn nhất thế giới. Kể từ năm 1996, Núi Nga Mi và tượng Đại Phật Lạc Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Núi Võ Đang 武当山 (Wǔdāng shān)
Trong “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”, trên ngọn núi Võ Đang, sư tổ Trương Tam Phong đã sáng lập ra phái cùng tên.
Ngoài đời, núi Võ Đang còn có tên gọi khác là núi Thái Hòa, là một dãy núi nằm ở phía Nam thành phố Thập Yển, Tây Bắc của tỉnh Hồ Bắc. Nơi này cũng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1994.
Đỉnh Quang Minh 光明顶 (Guāngmíng dǐng)
Trong “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”, Kim Dung chọn đây là đại bản doanh của Minh giáo. Đỉnh Quang Minh cũng là nơi diễn ra đại hội võ lâm, khi đó Trương Vô Kỵ đã một mình giải cứu Minh giáo.
Ngoài đời thực, Đỉnh Quang Minh nằm ở dãy Hoàng Sơn, phía nam tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc, là một trong 3 đỉnh cao nhất của dãy núi Hoàng Sơn. Đỉnh Quang Minh 4 mùa đều đẹp, đặc biệt vào mùa đông khi tuyết phủ trắng một vùng, bạn sẽ bị vẻ đẹp cô liêu ấy làm cho say đắm.
Hoa Sơn 华山 (Huà Shān)
Trong truyện Kim Dung các cao thủ võ lâm thường xuyên chọn Hoa Sơn làm nơi để tỉ thí võ công. Đây là nơi gắn liền với những lần “Hoa Sơn luận kiếm” trong tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu”. Còn trong “Tiếu ngạo giang hồ” có hẳn một môn phái tên Hoa sơn có địa bàn cũng nằm ngay tại Hoa Sơn, Hoa Sơn kiếm pháp và Tử Hà thần công là 2 chiêu thức nổi tiếng của môn phái này.
Cái tên Hoa Sơn được đặt dựa trên hình dáng của ngọn núi, núi dựng đứng và xòe rộng như một bông hoa. Khi tới thăm ngọn núi này, bạn có thể tận mắt nhìn thấy dòng chữ “Hoa Sơn luận kiếm” do chính tay Kim Dung chấp bút.
Về vị trí địa lý, Hoa Sơn nằm ở ngoại ô thành phố Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc), là một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc Danh Sơn. Vào năm 1990, núi đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Nhạn Môn Quan 雁门关 (Yànménguān)
Trong “Thiên long bát bộ”, Nhạn Môn Quan là nơi Kiều Phong đã dùng chính sinh mạng của mình để đổi lấy sự bình yên cho nhân dân hai nước Tống – Liêu.
Hiện tại, cả ba cửa ải của Nhạn Môn Quan vẫn được bảo tồn tốt và địa danh này đã trở thành một di tích quân sự cổ quan trọng của tỉnh Sơn Tây. Đây từng là cửa ải trọng yếu của Trường thành thời xưa.
Thời xưa, có rất nhiều cuộc chiến khốc liệt đã diễn ra ở Nhạn Môn Quan. Vì vậy, ngày nay khi đến đây tham quan, du khách không chỉ thăm thú các danh lam thắng cảnh trong khu vực, mà còn được dịp tìm hiểu về lịch sử thăng trầm của vùng biên ải.
Thiếu Lâm Tự 少林寺 (Shàolínsì)
Kim Dung từng ví Thiếu Lâm Tự như Thái Sơn Bắc Đẩu, là cái nôi của võ học Trung Nguyên.
Thiếu Lâm ngoài đời thật là một ngôi chùa uy nghi nằm trên núi Thiếu Thất thuộc dãy Tung Sơn, trong địa phận Trịnh Châu, Hà Nam. Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự thật sự từng là nơi lưu giữ kinh sách và các bí kíp võ công của Thiếu Lâm. Nhưng sau nhiều cuộc chiến tranh, hầu hết kinh sách lưu trữ tại đây đã bị đốt bỏ.
Đảo Đào Hoa 桃花岛 (Táohuā dǎo)
Trong tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu” và “Thần điêu đại hiệp” đây là nơi trú ngụ của Đông tà Hoàng Dược Sư.
Ngoài đời đảo có diện tích 41 km2, là đảo lớn ở Phổ Đà (Chiết Giang). Thực ra, đảo có tên Đào Hoa không phải vì trên đảo có nhiều hoa đào mà vì khắp nơi đều có những hòn đá được bao phủ bởi nhiều đường vân nhìn rất giống cây hoa đào.
Hi vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu thêm về những địa điểm nổi tiếng được nhắc đến trong các bộ truyện kinh điển của Kim Dung. Hi vọng các bạn sẽ thích bài viết này, hẹn gặp các bạn ở bài viết sau nhé! Nếu bạn quan tâm đến các khóa học tiếng trung cam kết đầu ra thì đừng quên tham khảo Hệ thống Hoa Ngữ – Học tiếng Trung Quốc mỗi ngày nhé!
Để nhận “Tư vấn” và nhận các chương trình “Ưu Đãi” về khóa học cũng như lịch học cụ thể. Bạn hãy để lại thông tin dưới đây nhé!
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Kiến thức tiếng Trung23 Tháng mười một, 202410 quy tắc vàng giúp bạn phát âm Tiếng Trung như người bản xứ
- Kiến thức tiếng Trung23 Tháng mười một, 2024Tổng hợp từ vựng và mẫu câu Tiếng Trung giao tiếp trong công việc
- Kiến thức tiếng Trung23 Tháng mười một, 2024Phương pháp luyện nghe Tiếng Trung hiệu quả cho người mới bắt đầu
- Kiến thức tiếng Trung19 Tháng mười một, 20247 quy tắc viết chữ Hán và 8 nét cơ bản trong Tiếng Trung – Hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu