Lộ trình tự học Tiếng Trung giao tiếp cơ bản cho người mới bắt đầu hiệu quả
Mục lục
- 1. Xác định mục đích học Tiếng Trung
- 2. Học tiếng Trung có khó không? Cần học bao lâu để giao tiếp thành thạo Tiếng Trung?
- 2.1 Khó khăn và lợi thế của người Việt khi học Tiếng Trung
- Những khó khăn khi học Tiếng Trung
- Dễ dàng, lợi thế của người Việt khi học Tiếng Trung
- 2.2 Thời gian để học thành thạo Tiếng Trung
- 2.1 Khó khăn và lợi thế của người Việt khi học Tiếng Trung
- 3. Nên học Tiếng Trung giản thể hay Tiếng Trung phồn thể?
- 3.1. Phân biệt Tiếng Trung phồn thể và Tiếng Trung giản thể
- Điểm chung giữa Tiếng Trung phồn thể và Tiếng Trung giản thể
- Điểm khác nhau giữa Tiếng Trung phồn thể và Tiếng Trung giản thể:
- 3.2. Khi nào nên học tiếng Trung giản thể?
- 3.3. Khi nào nên học tiếng Trung phồn thể?
- 3.1. Phân biệt Tiếng Trung phồn thể và Tiếng Trung giản thể
- 4. Tìm kiếm cộng đồng, phương pháp học tiếng Trung phù hợp
- 5. Các bước học Tiếng Trung cho người mới bắt đầu
- BƯỚC 1: Chọn giáo trình Tiếng Trung phù hợp
- Giáo trình Emotional Chinese
- Giáo trình Hán ngữ 6 quyển
- Giáo trình Boya
- Giáo trình HSK chuẩn
- Giáo trình Msutong
- BƯỚC 2: Học phát âm Tiếng Trung chuẩn
- BƯỚC 3: Tìm hiểu cấu tạo và cách viết chữ Hán
- 8 nét cơ bản của chữ Hán trong Tiếng Trung
- 9 quy tắc viết chữ Hán (quy tắc bút thuận)
- BƯỚC 4: Xây dựng nền tảng từ vựng tiếng Trung
- BƯỚC 5: Học ngữ pháp căn bản
- BƯỚC 6: Thực hành luyện khẩu ngữ và giao tiếp phản xạ bằng Tiếng Trung
- BƯỚC 7: Duy trì luyện tập hàng ngày
- BƯỚC 1: Chọn giáo trình Tiếng Trung phù hợp
- 6. Tìm hiểu một số nguồn học hỗ trợ tiếng Trung phù hợp cho người mới bắt đầu
- 6.1. Một số app hỗ trợ học Tiếng Trung
- Các phần mềm gõ chữ Hán trên máy tính
- Các App học Tiếng Trung trên điện thoại
- Các App hỗ trợ luyện giao tiếp trên điện thoại
- Các App từ điển Tiếng Trung
- 6.2. Một số trang web hỗ trợ học Tiếng Trung
- Từ điển:
- Học Tiếng Trung:
- Chia sẻ kiến thức
- 6.3. Các kênh YouTube học Tiếng Trung
- 6.1. Một số app hỗ trợ học Tiếng Trung
- 7. Nên học Tiếng Trung ở trung tâm hay tự học?
- Học Tiếng Trung ở trung tâm:
- Ưu điểm:
- Nhược điểm:
- Tự học Tiếng Trung tại nhà:
- Ưu điểm:
- Nhược điểm:
- Học Tiếng Trung ở trung tâm:
- 8. Lời khuyên khi học Tiếng Trung
Nếu bạn là người mới học Tiếng Trung nhưng không biết bắt đầu từ đâu, muốn tìm ra cách học Tiếng Trung giao tiếp cơ bản hiệu quả thì tuyệt đối đừng bỏ qua bài viết này. Dưới đây là lộ trình các bước tự học Tiếng Trung giao tiếp tại nhà hiệu quả nhất dành cho người mới bắt đầu.
1. Xác định mục đích học Tiếng Trung
Có rất nhiều bạn học Tiếng Trung vì hứng thú nhất thời, nên khi gặp khó khăn trong quá trình học thì sẽ dễ dàng chán nản và bỏ cuộc giữa chừng.
Trong Tiếng Trung có hai phần khó nhất là phát âm và chữ Hán, đây là khó khăn chung của hầu hết những người học Tiếng Trung, bất kỳ ai cũng phải vượt qua. Do đó nếu bạn không có mục tiêu rõ ràng thì sẽ rất khó để xác định đúng lộ trình và phương pháp học phù hợp. Dần dần bạn sẽ cảm thấy chán nản và bỏ cuộc.
Vì thế, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định cho mình một mục tiêu học Tiếng Trung cụ thể, rõ ràng như:
- Học Tiếng Trung để thi chứng chỉ HSK, xét tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng đại học, xin học bổng du học toàn phần hoặc bán phần tại Trung Quốc.
- Học Tiếng Trung để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, có thêm lợi thế ngoại ngữ khi làm việc tại các công ty Trung Quốc, khi đi xin việc hay tìm công việc mới tốt hơn.
- Học Tiếng Trung để phục vụ công việc của bản thân như: trao đổi, đàm phán với đối tác người Trung Quốc, làm việc với khách hàng người Trung Quốc…
- Học Tiếng Trung để hợp tác, kinh doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc, tự do buôn bán, giao thương hàng hóa Trung Quốc.
- Học Tiếng Trung để giao tiếp quốc tế, giao lưu, kết nối với tất cả những người sử dụng tiếng Hoa trên thế giới, đi du lịch, đặt chân đến những danh lam thắng cảnh của Trung Quốc.
- Học Tiếng Trung để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người, phong tục tập quán của Trung Quốc, nâng cao kiến thức, vốn hiểu biết của bản thân.
- Học Tiếng Trung để tạo nền tảng học thêm các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn.
2. Học tiếng Trung có khó không? Cần học bao lâu để giao tiếp thành thạo Tiếng Trung?
Học Tiếng Trung có thể khó với người mới bắt đầu, do Tiếng Trung có sự khác biệt lớn về hệ thống phát âm, chữ viết và ngữ pháp so với Tiếng Anh. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn cũng là lợi thế, chỉ cần có phương pháp học tập phù hợp và thông minh, việc học Tiếng Trung sẽ trở nên dễ dàng hơn.
2.1 Khó khăn và lợi thế của người Việt khi học Tiếng Trung
Những khó khăn khi học Tiếng Trung
- Hệ thống chữ viết: Tiếng Trung sử dụng hệ thống chữ tượng hình (chữ Hán), khác hoàn toàn hệ thống chữ Latinh quen thuộc trong Tiếng Việt. Việc học và ghi nhớ chữ Hán sẽ mất nhiều thời gian và công thức hơn.
- Phát âm: Âm tiết Tiếng Trung thường cao, vang và nặng hơn âm tiết trong Tiếng Việt, gây khó khăn trong việc học phát âm chuẩn do đã quen cách phát âm của Tiếng Việt.
- Thanh điệu: Tiếng Trung có hệ thống thanh điệu, nghĩa của từ sẽ thay đổi hoàn toàn khi thay đổi thanh điệu. Điều này có thể gây hiểu lầm, hiểu sai nghĩa khi phát âm sai.
- Ngữ pháp: Vị trí của từ chỉ thời gian, địa điểm trong cấu trúc ngữ pháp câu Tiếng Trung ngược với Tiếng Việt. Bạn sẽ cần thời gian để làm quen với cấu trúc câu và cách sử dụng trật tự từ ngữ trong Tiếng Trung.
- Từ vựng: Tiếng Trung giống với Tiếng Việt, có hàng ngàn từ vựng cần học, nhiều từ vựng đồng âm khác nghĩa, việc ghi nhớ và sử dụng thành thạo từ vựng Tiếng Trung cũng là một khó khăn.
Dễ dàng, lợi thế của người Việt khi học Tiếng Trung
- Âm Hán Việt: Đây là lợi thế lớn nhất của người Việt khi học Tiếng Trung. 70% từ trong Tiếng Việt là từ Hán Việt có nguồn gốc từ Tiếng Hán, nên có rất nhiều từ có âm Hán Việt tương tự âm Tiếng Trung, và âm Hán Việt đồng thời cũng là nghĩa Tiếng Việt của từ Tiếng Trung. Điều này giúp người học dễ dàng ghi nhớ và sử dụng từ vựng Tiếng Trung hơn.
- Phát âm: Nhờ có hệ thống âm Hán Việt, nhiều từ Tiếng Trung có phát âm tương tự âm thanh của từ trong Tiếng Việt, do đó việc ghi nhớ âm thanh từ vựng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
- Thanh điệu: Trong Tiếng Việt cũng có hệ thống thanh điệu (dấu câu), người Việt đã quen với sự thay đổi về cao độ của âm tiết từ nhỏ, nên việc học thanh điệu Tiếng Trung sẽ dễ dàng hơn các dân tộc khác không có hệ thống thanh điệu trong ngôn ngữ mẹ đẻ.
- Ngữ pháp: Tuy ngược so với Tiếng Việt nhưng ngữ pháp Tiếng Trung lại không phức tạp như một số ngôn ngữ khác, không có sự thay đổi hình thái từ, chỉ có một dạng từ giống như trong Tiếng Việt.
- Giao lưu văn hóa và ngôn ngữ: Nền tảng văn hóa tương đồng cùng lịch sử giao lưu văn hóa lâu đời giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp người Việt dễ dàng tiếp thu và hiểu biết về ngữ cảnh sử dụng khi học Tiếng Trung hơn.
- Cộng đồng người nói tiếng Trung lớn: Cộng đồng người nói tiếng Trung có ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, cung cấp nhiều cơ hội thực hành, giao tiếp và sử dụng Tiếng Trung.
2.2 Thời gian để học thành thạo Tiếng Trung
Thời gian cần thiết để thành thạo giao tiếp Tiếng Trung phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mục tiêu học tập, phương pháp học, tần suất học và luyện tập, khả năng ngôn ngữ cá nhân,…
Thời gian học Tiếng Trung thường chia thành 2 giai đoạn chính như sau:
- Từ 3 đến 6 tháng: Có thể giao tiếp thành thạo các chủ đề đơn giản trong cuộc sống hàng ngày nếu học tập chăm chỉ và đều đặn.
- Từ 1 – 2 năm: Thành thạo giao tiếp các tình huống phức tạp, có thể tranh luận, bày tỏ quan điểm, thảo luận về các chủ đề chuyên môn hoặc vấn đề xã hội nếu học tập đều đặn, liên tục.
3. Nên học Tiếng Trung giản thể hay Tiếng Trung phồn thể?
3.1. Phân biệt Tiếng Trung phồn thể và Tiếng Trung giản thể
Điểm chung giữa Tiếng Trung phồn thể và Tiếng Trung giản thể
- Đều có nguồn gốc từ chữ Hán cổ.
- Cách phát âm của từ vựng giống nhau.
- Ngữ pháp và cấu trúc câu giống nhau.
- Trật tự câu cơ bản là: Chủ ngữ + (Thời gian + Địa điểm) + Động từ + Tân ngữ.
Điểm khác nhau giữa Tiếng Trung phồn thể và Tiếng Trung giản thể:
Tiêu chí | Tiếng Trung Phồn Thể (繁體字) | Tiếng Trung Giản Thể (简体字) |
Số lượng nét chữ | Nhiều nét, phức tạp | Ít nét hơn, đơn giản hơn |
Ví dụ | 愛 /ài/ – tình yêu 聽 /tīng/ – nghe 學 /xué/ – học 車 /chē/ – xe | 爱 /ài/ – tình yêu 听 /tīng/ – nghe 学 /xué/ – học 车 /chē/ – xe |
Phạm vi sử dụng | Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao | Trung Quốc đại lục, Singapore, Malaysia |
Chứng chỉ ngôn ngữ | TOCFL (Test of Chinese as a Foreign Language): 6 cấp độ (A1, A2, B1, B2, C1, C2) | HSK (Hanyu Shuiping Kaoshi): 6 cấp độ cơ bản (HSK1, HSK2, HSK3, HSK4, HSK5, HSK6) và 3 cấp độ nâng cao (HSK7, HSK8, HSK9) |
3.2. Khi nào nên học tiếng Trung giản thể?
Dưới đây là những tiêu chí, đối tượng nên học Tiếng Trung giản thể:
- Người có kế hoạch làm việc, học tập hay sinh sống tại Trung Quốc đại lục, Singapore hoặc Malaysia.
- Người làm việc, giao lưu, trao đổi, buôn bán với đối tác người Trung Quốc, làm việc tại các công ty Trung Quốc.
- Người có muốn học Tiếng Trung trong khoảng thời gian ngắn từ 9 tháng, 1 năm hoặc có thể là 2 năm.
3.3. Khi nào nên học tiếng Trung phồn thể?
Dưới đây là những tiêu chí, đối tượng nên học Tiếng Trung phồn thể:
- Người yêu thích nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu về Tiếng Trung phồn thể mà không có áp lực về thời gian cụ thể.
- Người có ý định làm việc, học tập hoặc sinh sống tại Đài Loan, Hong Kong hay Macau.
- Người làm việc, giao lưu, trao đổi, buôn bán với đối tác người Đài Loan, Hong Kong, làm việc tại các công ty Đài Loan.
4. Tìm kiếm cộng đồng, phương pháp học tiếng Trung phù hợp
Mỗi người có mục tiêu học tập, thời gian học, độ tập trung, khả năng học ngoại ngữ khác nhau. Cùng một cách học sẽ không phù hợp với tất cả mọi người. Do đó việc học Tiếng Trung sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn nếu bạn có một phương pháp học phù hợp với bản thân hay có người đồng hành hoặc giúp đỡ khi gặp khó khăn.
Bạn có thể tìm cho mình những người bạn đồng hành bằng cách như:
- Lên mạng xin kinh nghiệm học Tiếng Trung, tìm hiểu những khó khăn của người mới học để chuẩn bị tinh thần vượt qua. Lắng nghe những ý kiến, góp ý hay của người đã có kinh nghiệm học Tiếng Trung.
- Dựa theo mục đích học và điều kiện học tập của bản thân như thời gian dành cho việc học nhiều hay ít, độ tập trung khi học cao hay thấp,… để chọn ra cách học phù hợp với bản thân.
Ví dụ nếu bạn có nhiều thời gian học tập, khả năng tập trung cao độ, ít bị phân tâm thì dù học với cách học truyền thống khô khan vẫn có hiệu quả. Nhưng nếu bạn bận rộn công việc, bận chuyện gia đình con cái, ít thời gian học tập, dễ bị phân tâm thì bạn sẽ cần một cách học nhẹ nhàng, vui vẻ, dễ tiếp thu kiến thức hơn để đạt được hiệu quả.
- Nên tham gia vào các nhóm học Tiếng Trung, tích cực chia sẻ, thảo luận, học tập lẫn nhau để tăng thêm sự yêu thích và niềm vui khi học.
- Bạn cũng có thể theo học tại một trung tâm Tiếng Trung uy tín, chất lượng, có chương trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu và lộ trình học của bản thân. Nếu bạn đang ở Hà Nội thì Tiếng Trung Cầm Xu là một gợi ý hay dành cho bạn.
5. Các bước học Tiếng Trung cho người mới bắt đầu
BƯỚC 1: Chọn giáo trình Tiếng Trung phù hợp
Lựa chọn giáo trình Tiếng Trung phù hợp với bản thân là điều rất quan trọng. Giáo trình giống như một giáo viên thu nhỏ, là công cụ hướng dẫn bạn tự học Tiếng Trung một cách bài bản, có trình tự và đầy đủ kiến thức Tiếng Trung cơ bản cần thiết.
Dưới đây là một vài giáo trình Tiếng Trung phổ biến được nhiều người lựa chọn theo học nhất hiện nay:
Giáo trình Emotional Chinese
Đây là bộ giáo trình Tiếng Trung đầu tiên được biên soạn dành riêng cho người Việt, áp dụng được những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của người Việt khi học Tiếng Trung. Phù hợp với những bạn mới bắt đầu học, tự học, muốn học để giao tiếp và ứng dụng vào thực tế.
Bộ giáo trình gồm 7 quyển chia theo 3 cấp độ từ chưa biết gì đến trình độ trung cấp, mỗi cấp gồm 1 quyển lý thuyết và 1 quyển bài tập. Đặc biệt, bộ giáo trình có riêng 1 quyển dạy phát âm.
Giáo trình Hán ngữ 6 quyển
Đây là bộ giáo trình Tiếng Trung kinh điển nhất dành cho người học Tiếng Trung. Ai mới học hầu như đều từng biết và tìm hiểu bộ giáo trình này.
Bộ giáo trình gồm 6 quyển, kiến thức phân chia theo mức độ tăng dần từ trình độ cơ bản đến cao cấp.
Giáo trình Boya
Đây cũng là một bộ giáo trình có lịch sử lâu đời và khá phổ biến trong cộng đồng người học Tiếng Trung. Bộ giáo trình này có lượng từ vựng lớn, hội thoại dài, nhiều bài tập để luyện. Đây là một giáo trình gói gọn nhiều kiến thức lại, do đó kiến thức học khá nặng.
Bộ giáo trình này được sử dụng phổ biến nhất với 4 cuốn theo 2 trình độ sơ cấp và trung cấp. Tuy nhiên do kiến thức khá nặng nên trên thực tế khi học xong 2 cuốn sơ cấp giáo trình Boya, bạn sẽ có trình độ tương đương như khi học xong quyển thứ 4 của giáo trình Hán ngữ.
Giáo trình HSK chuẩn
Bộ giáo trình này mang tính học thuật và chuyên sâu, được biên soạn để phục vụ việc thi HSK nên sẽ bám sát đề thi HSK nhất. Phù hợp với những bạn muốn học để tăng vốn từ vựng nhanh chóng, nắm vững ngữ pháp để tự tin đi thi lấy chứng chỉ HSK.
Bộ giáo trình gồm 6 quyển, chia theo mức độ tăng dần, tương ứng với trình độ từ HSK1 đến HSK6.
Giáo trình Msutong
Bộ giáo trình này được thiết kế phát triển cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, do đó lượng kiến thức nhiều và khá nặng. Phù hợp với những bạn mới bắt đầu và muốn học đồng thời cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết.
Bộ giáo trình gồm 12 quyển chia theo 3 cấp độ là sơ cấp, trung cấp và cao cấp.
BƯỚC 2: Học phát âm Tiếng Trung chuẩn
Học phát âm chuẩn Tiếng Trung là học cách phát âm đúng, chính xác, rõ ràng các âm tiết Tiếng Trung theo quy định về phát âm của Trung Quốc.
Học phát âm cũng chính là học bảng chữ cái Tiếng Trung, học phiên âm Pinyin.
Hệ thống phiên âm trong Tiếng Trung bao gồm:
- 21 thanh mẫu (tương đương phụ âm đầu trong Tiếng Việt)
- 36 vận mẫu (đương đương phần vần trong Tiếng Việt)
- 4 thanh điệu cơ bản và 1 thanh nhẹ (tương đương các dấu trong Tiếng Việt)
Học phát âm chuẩn ngay từ đầu rất quan trọng, bởi phát âm đúng sẽ truyền đạt được chính xác nội dung khi giao tiếp. Điều này giúp cho bạn trao đổi, giao tiếp với người bản xứ một cách tự tin và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, mỗi ngôn ngữ đều có đặc trưng phát âm riêng. Đối với người Việt khi học phát âm Tiếng Trung, bạn cần phân biệt rõ các âm bật hơi và âm không bật hơi, các âm tương tự nhau trong Tiếng Trung như “j với q”, “z với c”, “s với sh”, “zh với ch”. Phân biệt rõ các âm có phát âm tương tự âm Tiếng Việt như “t/zh/ch” trong Tiếng Trung với “th/ch/tr” trong Tiếng Việt.
Về thanh điệu, bạn cũng cần chú ý về cách biến điệu của một số âm đặc biệt như “bù”, “yī”,… Đặc biệt là đừng bao giờ nhầm lẫn thanh 4 trong Tiếng Trung với dấu huyền trong Tiếng Việt.
Khi gặp khó khăn trong quá trình phát âm, cách tốt nhất là bạn hãy nhờ những người có chuyên môn cao và phát âm chuẩn như thầy cô hay bạn bè giỏi Tiếng Trung chỉnh sửa giúp. Và quan trọng nhất là bạn cần thường xuyên luyện tập để thành thạo phát âm chuẩn trước khi bắt đầu học các kiến thức khác.
BƯỚC 3: Tìm hiểu cấu tạo và cách viết chữ Hán
Nếu bạn muốn phát triển kỹ năng viết thì tuyệt đối không được bỏ qua các quy tắc viết cũng như các nét của chữ Hán.
Nếu bạn chỉ học giao tiếp, thì cũng nên biết về các quy tắc viết và các nét cơ bản của chữ Hán để hỗ trợ bạn trong việc nhận diện và ghi nhớ mặt chữ Hán.
Chữ Hán trong Tiếng Trung có 8 nét cơ bản và 9 quy tắc viết chính.
8 nét cơ bản của chữ Hán trong Tiếng Trung
Nét ngang | Nét thẳng ngang, kéo từ trái sang phải. | |
Nét sổ thẳng | Nét thẳng đứng, kéo từ trên xuống dưới. | |
Nét phẩy | Nét cong, kéo xuống từ phải qua trái. | |
Nét mác | Nét cong, kéo xuống từ trái qua phải. | |
Nét hất | Nét thẳng, hất lên từ trái sang phải. | |
Nét ngang gập | Nét ngang kết hợp với nét sổ, nhưng bị gập lại. | |
Nét móc | Nét ngang móc ở cuối nét. | |
Nét chấm | Một dấu chấm hướng từ trên xuống dưới, trừ trái qua phải. |
9 quy tắc viết chữ Hán (quy tắc bút thuận)
7 quy tắc viết chính và 2 quy tắc mở rộng
1. Ngang trước, Sổ sau | 2. Phẩy trước, Mác sau | 3. Trái trước, Phải sau |
4. Giữa trước, Hai bên sau | 5. Trên trước, Dưới sau | 6. Ngoài trước, Trong sau |
7. Vào trước, Đóng sau | 8. Bộ 辶 và 廴 viết sau cùng | 9.Nét chấm nhỏ viết sau cùng |
Ngoài ra, bạn nên học thêm 50 bộ thủ cơ bản trong Tiếng Trung. Các bộ thủ trong Tiếng Trung thể hiện cho ý nghĩa của chữ Hán, việc học các bộ thủ sẽ giúp bạn nhận diện và ghi nhớ chữ Hán tốt hơn.
BƯỚC 4: Xây dựng nền tảng từ vựng tiếng Trung
Xây dựng nền tảng từ vựng Tiếng Trung là bước rất quan trọng sau khi thành thạo phát âm. Chỉ khi bạn có đủ vốn từ vựng thì bạn mới có thể hiểu được thông tin Tiếng Trung và giao tiếp tự tin được.
Việc học từ vựng có thể thực hiện bằng nhiều cách. Bạn có thể học trực tiếp từ giáo trình, nghe audio, hoặc sử dụng những cách học từ vựng thú vị hơn như học từ vựng qua ngữ cảnh, học qua cây từ vựng, flashcard,…
Để giao tiếp ở mức cơ bản, bạn cần tích lũy khoảng 1000 từ vựng. Nếu muốn giao tiếp và sử dụng thành thạo Tiếng Trung với các tình huống chủ đề hàng ngày, bạn cần tích lũy khoảng 3000-3500 từ vựng.
BƯỚC 5: Học ngữ pháp căn bản
Để giao tiếp thành thạo Tiếng Trung, bạn cần nắm vững 300 cấu trúc ngữ pháp cơ bản. Đây là kiến thức cốt yếu mà dù học Tiếng Trung hay bất cứ ngôn ngữ nào bạn cũng cần phải nắm vững.
Ngữ pháp Tiếng Trung ngược với Tiếng Việt về vị trí của từ chỉ thời gian và địa điểm. Cấu trúc cơ bản của Tiếng Trung giống Tiếng Việt đều là Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ, nhưng nếu có từ chỉ thời gian và địa điểm thì sẽ đặt trước từ chỉ hành động.
Ví dụ trong Tiếng Việt thường nói:
“Tôi đi chạy bộ ở công viên vào lúc 7h sáng.”
Chủ ngữ – Hành động – Địa điểm – Thời gian
Tuy nhiên:
Cùng một câu đó, trong Tiếng Trung sẽ nói là:
“Wǒ zǎoshang qī diǎn zài gōngyuán pǎobù.”
Tôi – 7h sáng – ở công viên – chạy bộ.
Chủ ngữ – thời gian – địa điểm – hành động
Dưới đây là một số cấu trúc ngữ pháp cơ bản trong Tiếng Trung.
Câu khẳng định: Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ
Ví dụ: 我吃苹果。/Wǒ chī píngguǒ./ – Tôi ăn táo.
Câu phủ định: Chủ ngữ + bù (不) / méi (没) + Động từ + Tân ngữ
Ví dụ: 我不吃苹果。/Wǒ bù chī píngguǒ./ – Tôi không ăn táo.
Câu nghi vấn: Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ + 吗 (ma)?
Ví dụ: 你吃苹果吗?/Nǐ chī píngguǒ ma?/ – Bạn có ăn táo không?
BƯỚC 6: Thực hành luyện khẩu ngữ và giao tiếp phản xạ bằng Tiếng Trung
Thực hành luyện khẩu ngữ và giao tiếp phản xạ là phần cực kỳ quan trọng trong việc học Tiếng Trung, giúp bạn hình thành phản xạ khi giao tiếp, có thể tự tin sử dụng Tiếng Trung để giao tiếp một cách tự nhiên, hiệu quả.
Có rất nhiều cách giúp bạn luyện khẩu ngữ và giao tiếp phản xạ Tiếng Trung hiệu quả như:
- Nói đuổi theo bài khóa: Nghe audio và nói đuổi theo audio giúp bạn luyện nói lưu loát với những nội dung quen thuộc trong giáo trình.
- Xem phim, video ngắn và chương trình truyền hình Trung Quốc: Giúp bạn làm quen với cách nói và giọng điệu tự nhiên của người Trung Quốc. Chú ý hãy chọn những video, bộ phim, hoặc chương trình có nội dung phù hợp với trình độ của bản thân, tức là bạn có thể tự nghe hiểu khoảng 70% nội dung.
- Luyện tập thực tế: Nếu có thể, hãy thực hành nói chuyện bằng Tiếng Trung với bạn bè, người thân hoặc người bản xứ, điều này sẽ giúp kỹ năng giao tiếp của bạn tăng lên nhanh chóng. Bạn có thể tham gia các câu lạc bộ Tiếng Trung hoặc các nhóm học tập trên mạng, giao lưu và kết bạn để cùng nhau thực hành Tiếng Trung. Bạn cũng có thể kết bạn nói chuyện với người bản xứ qua những app kết bạn như Hello Talk, Soul,…
- Duet video giao tiếp phản xạ trên Tiktok: Đây là video giả lập các cuộc hội thoại như thật với những chủ đề gần gũi đời sống, giúp bạn làm quen và hình thành phản xạ giao tiếp như khi giao tiếp với người thật dù chỉ có một mình. Video được đăng tải công khai trên kênh TikTok Emotional Chinese.
- Luyện tập với AI: Hiện nay các công nghệ AI rất phát triển và có thể giao tiếp như người thật, bạn có thể thực hiện luyện giao tiếp với các app AI như Chat GPT, Doubao,…
BƯỚC 7: Duy trì luyện tập hàng ngày
Để thành thạo giao tiếp một ngoại ngữ thì không thể thiếu sự duy trì và luyện tập đều đặn hàng ngày, Tiếng Trung cũng không ngoại lệ. Việc duy trì luyện tập hàng ngày sẽ giúp kiến thức của bạn được lặp đi lặp lại nhiều lần, giúp bạn nhớ lâu, không quên kiến thức, nâng cao kỹ năng giao tiếp và phản xạ của bạn.
Bạn hãy thay đổi giữa các hình thức luyện tập để không bị chán, nhưng bạn nhất định phải thực hiện đều đặn mỗi ngày. Nếu công việc quá bận không có thời gian, cũng hãy tranh thủ khoảng 10 phút lúc lái xe, nghỉ ngơi,… để nghe audio bài khóa, thực hành nói đuổi, nghe postcard. Bạn cũng có thể xem video ngắn hoặc nghe nhạc Tiếng Trung, giải trí cũng là một cách tăng thêm niềm vui khi học.
6. Tìm hiểu một số nguồn học hỗ trợ tiếng Trung phù hợp cho người mới bắt đầu
Hiện nay có rất nhiều phần mềm và công cụ online hỗ trợ tự học Tiếng Trung hiệu quả. Dưới đây là một số phần mềm, trang web học Tiếng Trung dành cho người mới bắt đầu.
6.1. Một số app hỗ trợ học Tiếng Trung
Các phần mềm gõ chữ Hán trên máy tính
- Phần mềm gõ viết tiếng Trung Sogou Pinyin
- Phần mềm gõ, viết tiếng Trung QQ Pinyin
- Phần mềm hướng dẫn viết chữ hán Chinese Writing Master 4.0
Các App học Tiếng Trung trên điện thoại
- Hello Chinese
- Duolingo
- CamXu
- Chinese Skill
- Pandawow
Các App hỗ trợ luyện giao tiếp trên điện thoại
- Hello Talk
- Soul
- CamXu
- Chat GPT
- Doubao
Các App từ điển Tiếng Trung
- Pleco
- Hanzzi
- CVEDict
- Từ điển Trung Việt
6.2. Một số trang web hỗ trợ học Tiếng Trung
Từ điển:
Học Tiếng Trung:
Chia sẻ kiến thức
- Tiếng Trung Cầm Xu
- ThanhMaiHSK
- Tiếng Trung TBT
- Tiếng Trung Thượng Hải
6.3. Các kênh YouTube học Tiếng Trung
- Học Tiếng Trung Cầm Xu: Nội dung chủ yếu về dạy phát âm chuẩn, cách sửa những âm dễ phát âm sai, những bài học Tiếng Trung cơ bản, các bài luyện giao tiếp phản xạ Tiếng Trung.
- Kiara lah: Nội dung chủ yếu chia sẻ về cuộc sống du học và những tips học, kinh nghiệm học Tiếng Trung, thi HSK.
- Khoai Tây yêu tiếng Trung: Nội dung chủ yếu về các chủ đề Tiếng Trung đời sống, các tips học Tiếng Trung, chia sẻ thông tin và các dạng bài thi của kỳ thi HSK.
7. Nên học Tiếng Trung ở trung tâm hay tự học?
Nên học Tiếng Trung ở trung tâm hay tự học phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân như mục tiêu học tập, thời gian, tài chính, phong cách học và phương pháp học tập phù hợp.
Dưới đây là phân tích ưu điểm và nhược điểm của việc học Tiếng Trung ở trung tâm và tự học Tiếng Trung tại nhà, giúp bạn có thể đưa ra quyết định phù hợp với bản thân.
Học Tiếng Trung ở trung tâm:
Ưu điểm:
- Có giáo viên hướng dẫn, có thể giải đáp thắc mắc ngay lập tức.
- Độ tập trung khi học tập cao, có môi trường thực hành với bạn cùng học.
- Có lộ trình học tập rõ ràng để tham khảo.
- Một số trung tâm có phương pháp học tập được nghiên cứu chuẩn khoa học học tập, giúp tăng hiệu quả khi học.
Nhược điểm:
- Chi phí tốn kém hơn so với tự học, bao gồm học phí và chi phí đi lại.
- Hạn chế về thời gian và lịch học.
- Chất lượng giảng dạy không đồng đều giữa các trung tâm, đòi hỏi bạn cần phải tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký.
- Hướng giảng dạy, phương pháp học tập của các trung tâm khác nhau, bạn cần phải tìm hiểu kỹ để chọn đúng trung tâm phù hợp với mục tiêu và điều kiện học tập của bản thân.
Tự học Tiếng Trung tại nhà:
Ưu điểm:
- Linh hoạt về thời gian, có thể tự quyết định thời gian và tốc độ học.
- Tiết kiệm chi phí học tập và đi lại.
Nhược điểm:
- Cần tự tìm hiểu và xây dựng lộ trình học tập phù hợp với bản thân, quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian.
- Không có người hướng dẫn và chỉnh sửa, có thể học sai kiến thức nền khiến việc học về sau sẽ khó khăn hơn.
- Môi trường thực hành bị hạn chế.
- Dễ mất động lực học và bỏ cuộc khi không có người đồng hành.
8. Lời khuyên khi học Tiếng Trung
Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn khi bắt đầu tự học Tiếng Trung giao tiếp.
- Đặt mục tiêu rõ ràng: Xác định mục tiêu học tập một cách rõ ràng để có động lực và lộ trình học tập cụ thể.
- Lựa chọn phương pháp học phù hợp: Một phương pháp học tập thông minh, thú vị, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của bản thân sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Duy trì việc học đều đặn: Hãy duy trì việc học và sử dụng những kiến thức Tiếng Trung đã học hàng ngày, dù chỉ là 10 phút/ ngày hay ở bất cứ đâu để bạn không bị quên kiến thức.
- Lựa chọn giáo trình phù hợp: Chọn giáo trình dễ hiểu, phù hợp với nhu cầu của bản thân cũng là một bước giúp bạn không thấy chán, thấy khó và bỏ cuộc giữa chừng.
- Thực hành giao tiếp thường xuyên: Sử dụng Tiếng Trung trong giao tiếp hàng ngày, chủ động thực hiện các bài luyện giao tiếp phản xạ, hay tìm bạn bè nói chuyện giúp bạn thành thạo việc giao tiếp Tiếng Trung cũng như nâng cao kỹ năng thực tế.
Trên đây là lộ trình các bước tự học Tiếng Trung giao tiếp tại nhà hiệu quả nhất dành cho người mới bắt đầu. Bạn hãy xác định rõ mục đích học Tiếng Trung của mình rồi lựa một phương pháp học phù hợp với bản thân. Sau đó bạn có thể bắt đầu học phát âm chuẩn, bước vào con đường học Tiếng Trung giao tiếp cơ bản.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Kiến thức tiếng Trung30 Tháng mười, 2024Lộ trình tự học Tiếng Trung giao tiếp cơ bản cho người mới bắt đầu hiệu quả
- Kiến thức tiếng Trung12 Tháng chín, 2024Cách bước tự học Tiếng Trung chi tiết, dễ hiểu cho người mới bắt đầu
- Kiến thức tiếng Trung15 Tháng tám, 2024Làm giáo viên tại TTCX là trải nghiệm như thế nào?
- Kiến thức tiếng Trung15 Tháng tám, 2024Làm công việc mình yêu thích, thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào